Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

HẠNH PHÚC CỦA BÀ GIÀ ĂN MÀY



Một buổi sớm mùa hè ngồi uống cà phê tại nơi đây, tôi gặp một bà già tóc bạc phơ búi gọn ra sau gáy như củ hành, găm chặt vào đầu bằng một cái căp ba lá sáng loáng, chìa chiếc nón lá hơi cũ ra trước mặt từng người. Người thì lắc đầu, người thì thả 500đ, 1000đ, 2000đ. Liếc sâu vào mớ tiền lộn xộn tôi nhìn thấy cả tờ 10.000đ và có cả mấy đồng xu các loại. Mới sớm ngày ra mà thu nhập như thế là tươm quá rồi còn gì!

    Hôm sau tôi lại thấy bà đến, lần này tôi nhìn kĩ bà hơn. Tôi đoán bà áng chừng hơn 70t, khuôn mặt đầy đặn, trán hằn những vết nhăn và đầy vết chân chim nham nhở hai bên đuôi mắt, dấu ấn của cuộc đời gian truân, nước da ngăm đen dãi dầu mưa nắng.
Bà mặc áo cánh lụa màu tím sẫm, quần lụa đen, dép nhựa nâu giống như bao bà già nhà quê khác ra Hà Nội thăm người nhà. Người bà thấp bé, dáng đi còn nhanh nhảu lắm. Bà chẳng có vẻ nghèo khổ, mà cũng chẳng cố tình làm ra vẻ nghèo khổ để khêu gợi lòng thương hại của mọi người. Hình như dân Hà Nội bây giờ nhân ái hơn, cứ thấy người già đi ăn xin là cho tiền chẳng cần phải ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, hay là đời sống của ăn mày ngày nay được nâng cao hơn trước?!
Lần sau rồi lần sau nữa nữa gặp bà, tôi ngắm thấy nét mặt bà bình thản như người đi dạo chơi. Tôi ngước mắt nhìn bà: “ Bà phải thay đổi lối đi đi, chứ sáng nào cũng đi xin theo lối cũ như người đi thu thuế làm mọi người quen mặt, chẳng có ai cho nhiều lần đâu!” Bà mỉm cười nhìn tôi như muốn cảm ơn lời nhắc nhở.

    Bà vừa đi khỏi, chú công an ngồi cạnh tôi kể: "Bà  này thuộc loại khá giả nhất nhì trong làng đấy cô ạ. Mấy hôm trước bạn đồng nghiệp của cháu ở quê bà  ra đây họp, nhờ cháu gọi vào đồn, anh ấy doạ mách  con trai nếu bà ta không về nhà ngay."

    Tôi chẳng hiểu sao cái bà già này tử tế chẳng muốn lại muốn đi ăn mày. Trong lòng thắc mắc nên định khi nào trông thấy sẽ hỏi cho ra nhẽ.

    Mấy hôm sau không thấy bà đâu nữa, chắc là bà ấy nghe lời tôi mách bảo đã chuyển hướng đi mất rồi!

    Bẵng hẳn một thời gian khá lâu tôi mới gặp lại bà. Thấy bà đến, tôi chờ bà làm xong thủ tục một vòng, cầm ghế né sang bên cạch quán mời ngồi .

    Tôi vào đề ngay:

    - Tôi có chút việc muốn hỏi thăm bà - Bà ngạc nhiên nhìn tôi:

    - Bác hỏi cháu chuyện gì vậy?

    - Bà cứ ngồi xuống đi đã - Bà khép nép ngồi xuống ghế.

    - Tôi biết bà ở đâu rồi, nhà bà không nghèo khổ gì sao lại ra đây ăn xin như thế? - Bà ngạc nhiên:

    - Sao bác biết cháu?

    - Người quen của bà cho tôi biết, nhưng đừng xưng cháu với tôi. Bà bao nhiêu tuổi rồi?

    - Cháu quen xưng cháu rồi, cháu tuổi Ất Dậu sinh năm chết đói ấy.

    Bà hơi ngần ngại một chút nhưng nhìn thấy tôi tươi cười khuyến khích nên kể tiếp :

    - Chẳng giấu gì bác từ ngày ông lão nhà cháu mất, cháu ở nhà một mình buồn như chấu cắn, suốt ngày lủi thủi không chịu nổi.

    - Con cái của bà đâu?

    - Thằng cả nhà cháu bị điện giật chết, thằng hai làm thợ hàn trong Sài Gòn lấy vợ có con rồi ở lì trong đó. Từ ngày lấy vợ đã mở quán bán thịt chó làm ăn khấm khá nên gửi tiền cho cháu thuê người làm ruộng. Cháu phải trông nom ông lão bị liệt, với lỵ cháu cũng già rồi nó không muốn cháu vất vả. Còn vợ chồng con gái cháu bán hàng giải khát ở Quảng Ninh thỉnh thoảng cũng cho cháu chút đỉnh.

    - Sao bà không nuôi gà nuôi vịt hay nuôi lợn cho đỡ buồn?

    - Từ khi có dịch cúm gà, lợn thì lở mồm long móng cháu không nuôi làm gì nữa!

    -  Nhà bà có vườn không?

    -  Có ạ! vườn có cây chuối, bưởi, na, đến mùa thu hoạch cháu gọi người bán quả từ trên cây cũng được ít tiền để dành.

    - Thế thì nghỉ ngơi hay đi chơi thăm các con chứ ai lại đi ăn xin như thế?!

    - Từ ngày cháu theo mấy đứa đồng nát ra đây vui lắm! Ngày nào cũng được đi chơi phố lại được mọi người thương hại cho tiền. Buổi tối thuê nhà ngoài bãi ở chung, ăn chung với bọn chúng rất vui,  không lủi thủi một mình như ở nhà đâu. Nếu có ốm đau cũng được các cháu mua thuốc hộ và chăm nom, nấu cho bát cháo hay mua cho đồng quà tấm bánh, chẳng phải lo gì cả.

    -  Nhà cửa bà bỏ cho ai ? Không sợ người trong làng biết rồi mách các con bà à?

    -  Mấy đứa ở chung với cháu không nói đâu, chúng nó thích cháu ở đây còn nấu cơm hộ chúng. Bà con trong làng chỉ nghĩ là cháu đi thăm con thôi! Cháu cho con bé cạnh nhà sang học nhóm, họp chi đoàn ở đấy để trông nom nhà cửa rồi. Độ một,  hai tháng cháu lại về nhà một lần. Sống ở đây vui quen rồi, chẳng muốn về quê ở nữa đâu.
 Trên gương mặt già nua của bà sáng ngời niềm hạnh phúc và mãn nguyện với cuộc sống của bà hiện nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét