Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 10, 2014

TỔ ẤM CỦA TÔI

Chồng tôi làm phiên dịch cho Đại Sứ Quán CHDC Đức tại Việt Nam. Đến khi CHDC Đức bị tan rã thì làm phó tổng đại diện cho tập đoàn Siemens ở VN  đến 65 tuổimới nghỉ hưu.
Tôi sinh ra được hai con đúng như quy định của “sinh đẻ có kế hoạch” và cách nhau 7 tuổi. Con gái đầu lòng tên là Mai Anh Sa học rất thông minh, luôn đứng nhất nhì trong lớp.
Bên cạnh nhà ở 122 phố Lò Đúc có bà Thu là cô giáo dạy piano trong nhạc viện hay dạy học sinh tại nhà. Anh Sa học mẫu giáo Chim Non về qua  nghe thấy tiếng đàn là sang đứng ngoài cửa xem bác Thu dạy đàn. Về nhà Sa lấy phấn vẽ lên bàn thành các phím rồi gõ tay vào đấy, mồm hát theo tưởng tượng như mình đang đánh đàn. Tôi thấy con gái thích đàn piano nên xin bác Thu cho học để đỡ đi chơi linh tinh. Không ngờ bác Thu lại khen có năng khiếu. Sa vào học cấp I trường Lê Ngọc Hân vẫn tiếp tục học bác Thu cho tới cấp II thì vào Nhạc Viện học.
Tôi chỉ muốn cho con gái học đàn chơi thôi, nhưng bị bác Thu thuyết phục:                   “Con nhà tôi cũng phải thi mấy lần mới được, cô cứ cho nó thi thử xem sao.” Nể bác Thu đã viết đơn nộp cho nhạc viện rồi, tôi cũng đành đưa nó đi thi. Cuối cùng nó lại trúng tuyển, thế là bác Thu thúc dục cho đến nhạc viện học. Thời bao cấp Nhà Nước còn coi trọng nghệ thuật, đào tạo nhân tài cho đất nước nên học ở đó được lĩnh gạo, thịt, đường sữa bồi dưỡng hàng tháng và được lĩnh tiền học bổng nữa. Trong khi nhân dân và cán bộ được lĩnh tem phiếu thực phẩm rất ít để duy trì sự sống eo hẹp trong chiến tranh chống Mỹ.
Vào Nhạc Viện Sa luôn đạt điểm 10 piano, được các thày cô khen ngợi, Sa được cô Thu Hà dạy rất nhiệt tình nên hôm thi lên đại học các bạn cả trường kéo đến xem Sa đánh đàn hay như thế nào. Sau khi Sa biểu diễn xong, các phụ huynh đều quay sang bắt tay chúc mừng tôi.
Tổng điểm các môn thi đại học Sa đạt điểm cao nhất trường nên được sang Đức học ở Leipzig, trường Nhạc bắt thi với các sinh viên nước khác, Sa là người duy nhất được chọn vào trường Hochschule fuer Musik Mendelssohn Bartholdy đào tạo thành nghệ sĩ biểu diễn piano. Lần đáng tự hào nhất là Sa đã được thầy hiệu trưởng chọn đi biểu diễn ở nhà hòa nhạc lớn nhất Châu Âu ở Leipzig, nơi các bạn cùng học đều mơ ước được một lần biểu diễn ở đấy.
CHDC Đức bị xụp đổ, thầy hiệu trưởng, người dạy đàn bị sa thải làm Sa nhụt trí nên chỉ học cho xong để lấy bằng tốt nghiệp đại học và bằng thạc sĩ âm nhạc.
Trở về VN cô Thu Hà mời về Nhạc Viện dạy, nhưng Sa cứ khất mãi làm tôi phải nói cho cô biết là cháu Mai Sa đã cùng chồng thành lập công ty tin học rồi, để cô Thu Hà tìm người khác. Sợ bỏ phí, Sa đã nhận một vài học sinh và dạy hai con đánh đàn mỗi tuần vài buổi.  
Tôi có thai Mai Anh Vũ trong những ngày chiến tranh chống Mỹ ác liệt, đêm không được ngủ yên vì máy bay B52 được mệnh danh là siêu pháo đài bay của Mỹ tới thả bom xuống Hà Nội suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972. Tôi phải đến ngủ trong hầm bê tông của câu lạc bộ Quốc Tế ở Hoàng Diệu. ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, mở ra một giai đoạn mới cho sự nghiệp thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Anh Vũ đã được ra đời ngày 9/5/1973, không phải chạy báo động nữa, chị Sa cùng với bà Sơ đi sơ tán theo ông bà ngoại cũng được trở về Hà Nội.
Lớn lên Vũ không học giỏi bằng chị Sa, nhưng cũng là HS tiên tiến của lớp. Thi vào trường đại học Sân Khấu Điện Ảnh, học cũng vẫn được là sinh viên tiên tiến, liên tục nhận được học bổng của trường cho tới khi tốt nghiệp.
Đang học năm cuối đã được Đài Truyền Hình đến nhà xin cho vừa học vừa làm. Đi làm Vũ được tín nhiệm nên tốt nghiệp về Đài làm phóng viên của Đài luôn.
Vì Vũ hiền lành, tác nghiệp tốt đi đâu khó khăn gian khổ như lên rừng làm phóng sự bênh vực đồng bào Tây Nguyên chống lại kẻ cướp đất, di làm phóng sự điều tra bọn tham nhũng và vụ PMU18, xuống biển ra Trường Sa làm phóng sự tết v.v…Trưởng ban đều cử đi và được chính thức trong biên chế của Đài.
Thế nhưng Vũ không quan tâm tới tiền nong, thường xuyên bị ăn chăn và gặp nhiều bất công… dần dần bất bình với lãnh đạo trong sự việc không duyệt những phóng sự vạch mặt bọn tham nhũng mà họ còn bị chúng mua chuộc! Đâm ra chán nản, mất lòng tin, không say mê với nghề như ban đầu nữa!
Vũ có bạn là Giác Hải, thượng tọa của Chùa Ngọa Vân đã lôi cuốn Vũ đi theo Đạo Phật, có tiền là mua sách về Phật Giáo, chăm chú nghiên cứu, thích lui tới cửa Chùa tìm hiểu, hè nào cũng vào Chùa theo khóa lễ an cư kiết hạ.
Tôi đã hướng cho hai con học hai nghề rất đẹp của thời bao cấp, nhưng vào cái thời “đổi mới” nó đã trở nên lãng mạn, phù phiếm, không hợp thời! Trong lòng cảm thấy xót xa…
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét