Trang

Thứ Hai, 20 tháng 10, 2014

MẸ TÔI, NGUYỄN THỊ MỴ

Tức Hoàng thị Mỵ, 
bí danh Thanh Bình 1912-1986

Thanh Mai-cô Trúc-Lệ Thủy
T Thanh-Mẹ-T Hương-Bố-T Phương
(Hè 1956)

Bà ngoại tôi, Hoàng thị Hiên lấy chồng từ năm mười 16 tuổi nhưng mãi vẫn không có con. Gia đình nhà chồng thuộc loại có máu mặt trong làng (Đa Sỹ, Hà Đông) đã cho uống thuốc bắc, thuốc nam của các ông lang nổi tiếng  mà vẫn không động tĩnh gì. Bà tôi phải đi các Đền Chùa cầu tự ở khắp nơi. May sao đến năm hơn 30 tuổi (1912) bà tôi đã sinh ra một cô con gái có đôi tai như tai đức Phật. Cả nhà cưng chiều, có vú em chăm sóc, thuê cả trẻ con để có người chơi với mẹ. Khi lớn lên mẹ tôi bao giờ cũng được bố cho ngồi ăn cùng mâm, uống rượu khề khà cùng mâm trên với  bố. Bà được sinh ra và lớn lên tại phố Nam Ngư Hà Nội.    
Ông ngoại tôi, Hoàng văn Quế là trưởng họ trông nom điện thờ, nuôi chim cảnh, cá cảnh, chơi đồ cổ và chăm sóc cây cảnh, có bao nhiêu ruộng đất đem cho họ hàng cấy rẽ hết.
Ông bà ngoại tôi có cửa hàng rất to ở phố Nam Ngư Hà Nội chuyên bán các loại thóc gạo. Gần nhà có hàng phở cứ bốc mùi hành tỏi, mẹ tôi không chịu được, bà ngoại liền đưa  tiền cho người ta dọn đi nơi khác. Mẹ tôi được sống rất sung sướng, đi học có xe tay đưa đón, nhà có người hầu hạ nên chẳng biết làm gì cả.
Năm 1929 bà tham gia học sinh đoàn Bình Dân Cấp Tiến CM. Năm 1931 bị bắt giam ở Hoả Lò Hà Nội đến 1933. Ở tù được tha về, không còn sợ mùi hành tỏi nữa, ăn gì cũng thấy ngon vì trong tù chỉ được ăn cơm hẩm với tí cá khô đựng trong ống sữa bò. Bố tôi thường nói đùa là mẹ tôi phải cám ơn nhà tù đã rèn luyện cho mẹ quen với gian khổ để sẵn  sàng hứng chịu mọi thử thách, đương đầu với mọi khó khăn của cả quãng đời sau này.
Ông bà ngoại bắt mẹ tôi đi lấy chồng và đã gả cho một nhà giầu nhất làng, có cửa hàng bán gỗ ở phố Hàng Hòm Hà Nội. Trước khi cưới bà ngoại mới dậy nấu vài món ăn, mẹ phải viết ra giấy mang theo về nhà chồng. Sống với chồng không có tình yêu, lấy theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”.  Ít lâu sau phát hiện ra là chồng mình nghiện thuốc phiện và mê “hát cô đầu”, mẹ tôi bỏ về nhà với mẹ đẻ đang lúc có thai anh tôi. Khi sinh anh tôi, nhà chồng bắt trả con, mẹ đã xin muôi anh tôi một năm sau mới giao cho nhà chồng rồi đi tham gia hoạt động CM tiếp. Người bố nghiện của anh mắc bệnh sốt thương hàn cũng chết ngay khi đó.
Năm 1936 bố tôi được ra khỏi nhà tù Côn Đảo về Hà nội gặp mẹ tôi cũng tham gia phong trào mặt trận Bình Dân. Mẹ thường nghe bố tôi diễn thuyết tuyên truyền CM. Hồi đó bà thấy một anh chàng vừa đi tù về gầy gò xanh xao mà vẫn sôi nổi hoạt động nên đã thầm thán phục, tình yêu nẩy nở từ đấy. Ông bà ngoại biết chuyện liền ngăn cấm, chê bố tôi là “thằng tù khố rách áo ôm”. Mẹ nhất quyết không nghe theo cứ lấy bố tôi mà đã bị bố mẹ TỪ cô con gái độc nhất của ông bà.
Từ khi mẹ tôi rời nhà mẹ đẻ theo bố tôi về Hải Phòng, ông bà ngoại buồn bã,  vài năm sau bán nhà ở Nam Ngư Hà Nội, về quê sống, không buôn bán nữa.
Tôi chẳng hề biết mặt ông bà ngoại. Ông bà ngoại mất từ khi tôi còn bé, gia sản của ông bà đã di chúc cho cháu trai con của em ông ngoại tôi.
Năm 1937 mẹ cùng bố tôi xuống Hải Phòng hoạt động. Bố là cán bộ TW phụ trách phong trào Mặt Trận Bình Dân HP, mẹ tôi công tác phụ nữ, được kết nạp vào Đảng CSĐD năm 1938. Mẹ không thoát li hẳn để hoạt động CM mà mỗi lần sinh con lại xin nghỉ một thời gian để nuôi con. Thời gian bố tôi đi tù ở Sơn La 1940 mẹ phải đi dạy học tư. Các cô "đồng chí" của mẹ thay phiên nhau bế tôi cho mẹ đi kiếm tiền nuôi con. Sau này, mỗi khi gặp các cô lại "kể công" ngày xưa phải bế tôi vẹo cả sườn và kể hồi bé tôi quấy khóc suốt ngày vì ốm đau quặt quẹo, người bé như con nhái bén!
Mẹ không thể nhờ các bạn trông tôi mãi được, nhất là khi tôi bị  lở khắp người đành phải bế tôi về chỗ bà nội ở đền Đồng Phù, Nam Định chữa bệnh cho tôi (cuối năm 1942). Thời gian này bà nội là chủ Đền đã cho hai mẹ con tôi sống trong nhà ngang nhìn ra cánh đồng, tách khỏi Đền để không làm ô uế Đền thờ với cái mùi tanh tưởi từ mụn nhọt của tôi, bà cũng không dám bế tôi sợ vấy bẩn sang bà, bà chỉ cho "thằng nhỏ" mang cơm xuống và giúp đỡ mẹ tôi khi cần.
Sợ đặt tôi nằm xuống giường cứng bị đau, mẹ cứ phải cho tôi nằm trên bụng mẹ mà ngủ suốt mấy tháng dòng. Hai mẹ con nằm trong căn phòng trống trải đó, đêm đêm nghe tiếng ếch nhái doạ nạt, đom đóm lập loè, bỗng một tối mẹ tôi nhìn thấy người mẹ rất đỗi nhớ mong của mình vén màn nhìn con, nhìn cháu, cầm quạt phe phẩy cho hai mẹ con tôi ngủ rồi ra đi, sau đó ít lâu nghe tin bà ngoại mất. 
Khi đã khỏi bệnh hoàn toàn tôi mới được chơi với bà nội, tôi được xem người ta lên đồng trên Đền. Lúc vắng người tôi phủ khăn mặt lên đầu, bắt chước khoanh chân ngồi đảo lia đảo lịa.
Mẹ con tôi ở đấy cho tới khi bố tôi được ra tù, đầu năm 1944. Cũng tại nơi đây bà nội tôi bị mù cả hai mắt, bác Phạm Văn Đồng đã đưa bác sĩ về chữa mắt cho bà nhưng không thể chữa được nữa ( Khoảng năm 43 hoặc 44 ).

Năm 1944, tôi mới chỉ 4 tuổi thôi, nhưng còn nhớ như in, hồi đó gia đình tôi bị quản thúc ở Nam Định. Mẹ tôi sinh em gái Vũ Thanh Phương  trên chiếc bàn ping pông (bóng bàn) ở dưới tầng hầm của một ngôi nhà to, bố mẹ tôi thuê trong thành phố Nam Định. Tôi ôm quần áo và tã lót đứng đợi ngay cuối phòng. Bà đỡ đỡ đẻ cho mẹ tôi xong mới đưa lên tầng trên vì lính Nhật đã đánh vào Việt Nam. Khi về phòng tôi nằm cạnh mẹ, tai nghe văng vẳng tiếng kèn của bọn lính, còn em bé đỏ hon hỏn nằm trên ghế băng cạnh giường, mẹ sai tôi đẩy em bé vào sát tường cho khỏi ngã.
Bố tôi trong thời gian này hay được mời đi chữa bệnh, tiêm thuốc cho các bênh nhân để kiếm sống nên ít khi ở nhà. Em Phương bắt đầu biết đi thì bố mẹ tôi trốn mật thám về chợ Gốc Thái Bình bắt liên lạc với Đảng CS.
Năm 1947 mẹ tôi sinh em gái Vũ Thanh Thanh tại Nhà Thương (Bệnh Viện) ở Giao Thủy Nam Đinh. Hồi đó bố tôi làm phó bí thư tỉnh ủy tỉnh Nam Định. Bố được bí mật báo tin bọn lính Pháp sắp đổ bộ đến Nam Định, nên cử người về cõng em Phương và dắt tôi băng qua ruộng trong đêm tối đến nơi tập kết tại vùng hẻo lánh. Còn bố tôi đến Nhà Thương  dìu mẹ tôi vừa mới sinh con phải lội bùn chạy qua cánh đồng dưới mưa đến với chị em tôi. Bố tôi nhờ một chú bế hộ em bé heo cùng. Chú ấy đã bế em bé chạy lạc đường nên về tập kết muộn, làm cả nhà bị một phên hoảng hồn!
Đêm em Thanh ra đời nghe thấy tiếng súng liên thanh bắn liên tục, bố mẹ tôi định đặt tên là Vũ Liên Thanh, nhưng sau lại đổi thành Vũ Thanh Thanh cho giống tên đệm của hai chị.
Năm 1950, khi bố tôi làm giám đốc Trường Trần Phú đào tạo cán bộ cơ sở cho Liên Khu Ủy III di chuyển tới một làng quê gần Chùa Hương thì em gái út ra đời  đặt tên là Vũ Thanh Hương. Tôi còn nhớ trước khi sinh, mẹ tôi chuẩn bị sẵn kéo cắt rốn, chỉ buộc rốn, tìm sẵn bà đỡ. Thấy đau bụng là mẹ đi luộc kéo, chỉ, nhờ bà chủ nhà đi mời bà đỡ về, sinh ngay trên giường tại nhà chúng tôi ở nhờ.

Em gái út ra đời, tôi bắt đầu trở thành “người lớn” tuy chỉ 10 tuổi, nhưng phải ngồi khoanh chân cho em nằm vào lòng nó mới ngủ yên giấc để mẹ tôi còn làm việc. Từ đấy tôi ít được đi chơi với tụi trẻ con trong làng một cách tự do như trước.
Em càng lớn tôi càng bận. Buổi trưa không được ngủ nữa mà phải ngồi quạt nhè nhẹ cho em ngủ. Khi em ăn được cơm thì nhá cơm cho em ăn. Khi em biết nói thì dạy nói rồi dạy hát múa như cô dạy trẻ mẫu giáo. Máy bay giặc đến, tôi phải bế em chạy ra tăng xê (hầm). Vì sợ dưới tăng xê có rắn, bao giờ tôi cũng nhảy xuống trước kiểm tra kĩ rồi mới bế em xuống, trước khi sang Trung Quốc học tôi trao lại nhiệm vụ này cho em Phương và dặn dò rất kĩ lưỡng.
Thời gian kháng chiến tuy rời xa Hà Nội, mẹ tôi vẫn liên lạc với anh tôi qua người quen. Lớn lên, anh được nghỉ hè là tìm cách trốn theo người quen đi thăm chúng tôi, ngay từ lần gặp đầu tiên anh đã gọi bố tôi là bố, tới khi ông nội của anh chết thì anh đến ở hẳn với chúng tôi. Bố tôi đổi tên cho anh từ Chữ Văn Vinh ra Vũ Thành Vinh coi như con đẻ, xin cho anh học trung cấp sư phạm ở Thanh Hoá trước khi tôi sang Trung Quốc học. Năm 1956 anh tôi rời khỏi Trần Gian tại BV Phủ Doãn do y tá cho uống nhầm thuốc,  bố tôi nghi ngờ nên đã kiểm tra lại thuốc và gọi cô y tá ra căn vặn thì đúng như bố dự đoán. Bố khuyên mẹ tôi tha cho y tá vì con mình đã chết, không nên bắt người sống phải "chết " theo nữa mà chỉ cho cô ta một bài học nhớ đời. Thời gian đó anh Vinh 21 tuổi đang làm hiệu trưởng trường tiểu học tại Hà Đông, chưa kịp lấy vợ.
Trước khi về hưu mẹ tôi làm cán bộ tổ chức kiêm thường trực Đảng Uỷ trường Bổ túc cán bộ Y Tế TW. 
Mẹ mất ngày 29/9 âm lịch 1986 thọ 74 tuổi vì bị đột quỵ. Buổi tối mẹ còn khoẻ mạnh, xem vô tuyến xong đi gọt cam rủ cháu cùng ăn, thế mà khoảng 3 giờ sáng mẹ tôi tỉnh dậy kêu lên “Thôi chết rồi, tôi bị cái bệnh mà tôi sợ nhất trên đời!” vì mẹ tôi thấy chân tay bị tê một bên.
Vào Bệnh Viện Hữu Nghị Việt Xô cấp cứu, mẹ đã hôn mê, ba ngày sau mẹ ra đi lúc 21giờ 20' đúng phiên tôi cùng bác sĩ Võ Văn Trành là em rể tôi túc trực. Khi đó bố tôi cũng đang ở cùng bệnh viện nhưng nằm khoa khác. Chúng tôi để cho bố ngủ yên giấc đến sáng hôm sau mới báo tin.
Bố tôi kể lại đêm ấy bố mơ thấy mẹ mặc áo dài gọi: “Ông ơi, Tôi đi đây!” bố tỉnh dậy, thao   thức mong trời mau sáng để sang thăm mẹ tôi. Trước khi đưa xuống nhà lạnh tôi đã cùng cô y tá lau người mặc bộ áo dài cho mẹ đúng như bố đã mơ thấy. Sau ba năm chúng tôi bốc mộ mẹ, hoả táng rồi đưa tro cốt của mẹ lên chùa Phúc Khánh, nơi mà sau này bốn chị em tôi đưa cả bố đến ở cùng.
Mẹ không bao giờ nghĩ là mình ra đi trước bố vì mẹ chỉ bị mổ sỏi mật, thường ngày vẫn khoẻ mạnh, không bị áp huyết cao. Còn bố tôi lúc nào cũng ốm đau hết bệnh nọ đến bệnh kia. Mẹ đã dự định khi nào bố mất sẽ không ở hẳn với cô con gái nào, mẹ sẽ ở với mỗi đứa một quý là vừa hết một năm. 
Các bạn của mẹ đều an ủi chị em tôi: "Mẹ của các cháu ăn ở đức độ nên mới quy tiên nhẹ nhàng như thế!"

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét