Trang

Thứ Sáu, 10 tháng 10, 2014

NHỚ LẠI THỜI ẤY

Mai Quốc Anh

Có một thời trong kháng chiến chống Mỹ, phim “Phi công trong bộ quần áo ngủ" ( Nói về phi công Mỹ bị bắt ở VN, hồi đó là tin tức cực hot được cả thế giới theo dõi hằng ngày) do Heynowsky và Scheumann của CHDC Đức quay ở VN dựng thành phim đã nổi tiếng ở Hà Nội. Hai nhà làm phim tên tuổi lừng lẫy ở CHDC Đức, đã làm nên những thước phim có giá trị lớn về bình luận các vấn đề chính trị, chống chủ nghĩa phát xit, chống chiến tranh. Họ phải làm phim như đi hoạt động tình báo để điều tra những tên tội phạm chiến tranh lẩn khuất khắp nơi trên thế giới. Thời đó anh Quốc Anh ( ông xã tôi) thuyết minh trực tiếp phim "Phi công trong bộ quần áo ngủ" cho các vị lãnh đạo nhà nước ta và các bộ. Rồi lần lượt các cơ quan mời liên tục vào các buổi tối và các ngày nghỉ, mệt đử người đến nỗi phải đổ sâm vào họng cho tỉnh mà tiếp tục “chiến đấu”, vì chưa có bản thuyết minh nên anh QA phải đeo tai nghe mà dịch đuổi theo phim.

      Khi vừa giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước hai nhà làm phim nhanh nhạy của Đức lại sang ngay Việt Nam mang theo một đoàn làm phim gồm: Haynowsky (đạo diễn)-Scheuman (biên tập)-Hellmich (quay phim) và ba thành viên khác làm về ánh sáng, thu thanh và các công việc khác của phim, dựng một serie phim tài liệu chính luận về Việt Nam:

                             - Die eiserne Festung ( Thành Đồng Tổ Quốc)

                             - Ich bereue mich aufrichtung ( Tôi thành thật hối cải)

                             - Der erste Reis danach ( Khi ngày ấy đã đến)

                             - Die Teufelsinsel ( Hòn đảo địa ngục)

      Đoàn làm phim này đã biết tiếng tăm của anh Q Anh qua việc thuyết minh phim “Phi công trong bộ quần áo ngủ” nên yêu cầu với Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài của VN xin bộ Ngoại giao cho anh Q Anh đi làm phim cùng, chủ yếu là phiên dịch. Thời gian học ở Đức cho ngành điện ảnh nhưng về nước anh ấy không làm  điện ảnh mà theo sự phân công đã vào làm phiên dịch cho đại sứ quán CHDC Đức ở Việt Nam. Bộ ngoại giao phải giải thích với ông đại sứ Đức về tầm quan trọng của bộ phim này đối với nước VN như thế nào, ông ấy mới chiụ cho đi kèm theo một lái xe và chiếc ô tô con. Vì vậy sau khi giải phóng Sài Gòn 20 ngày (20/5/1975) tôi có mặt tại Sài Gòn thì độ nửa tháng sau anh ấy cũng vào Sài Gòn cùng với đoàn làm phim của Đức và anh Lương Đức, nhà quay phim học ở Đức, đại diện cho xưởng phim Thời sự tài liệu VN (nay là NSND, cựu giám đốc xưởng phim Khoa hoc - TSTL VN), một số cán bộ của Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài đi theo lo việc ăn ở bảo vệ và liên hệ với các địa phương.

      Đoàn làm xong phần tiền kì của các phim ở VN, họ trở về Đức làm phần hậu kì lại mời anh Q Anh dịch toàn bộ kịch bản của các phim, sang Đức lồng tiếng và toàn quyền chọn người cùng đi lồng tiếng cho phim “Thành Đồng Tổ Quốc”.  Đi lồng tiếng cùng với anh QA có các anh: Trần Đức (Đài truyền hình VN), Ngô Nam, Trịnh Thịnh, Văn Hoà, Lân Bích ( đều là diễn viên của xưởng phim truyện VN). Còn các phim tiếp theo, ông đại sứ Đức không chịu nhả anh QA ra nữa vì anh ấy là phiên dịch chính của ĐSQ Đức. Bộ Ngoại giao và Uỷ ban liên lạc văn hoá với nước ngoài cũng đành phải bó tay, để cho anh Lương Đức làm tiếp tục với họ.

     Đoàn làm phim của Đức đi khắp các địa phương Miền Nam, vào trại tập trung các sĩ quan Ngụy ở Mỹ Tho để phỏng vấn họ. Anh Q Anh đã đánh cờ với tướng Lê Minh Đảo, người từng thề “tử thủ Xuân Lộc”, tướng Đảo lúc ấy lại hết lời ca tụng lãnh tụ Hồ Chí Minh của chúng ta trước mặt tất cả các tướng tá khác đang xúm xít xung quanh xem đánh cờ. Trước khi chia tay tướng Đảo ngỏ lời xin đổi chiếc đồng hồ đắt tiền trên tay của ông ta lấy chiếc đồng hồ pôn dốt cũ kỹ của anh QA làm kỷ niệm, nhưng anh ấy lắc đầu, chìa cổ tay có đồng hồ đang đeo ra: " Đồng hồ này cũng là kỷ niệm của tôi rồi!"  


        Khi ra Côn Đảo làm phim “Hòn đảo địa ngục” Đoàn  phải hoãn mấy lần vì thời tiết xấu máy bay trực thăng không hạ cánh xuống được. Côn Đảo hồi đó còn hoang sơ lắm, cả đoàn phải ngủ trong nhà chỉ huy sở làm bằng kính phản quang - chống đạn, suốt đêm ngày có thể nhìn thông thống ra cả vùng xung quanh. Anh Q A đã tham quan từng chi tiết của nhà tù, ký tên vào chuồng cọp và mang quà về cho vợ toàn những thứ "chúa đảo" tặng trong "địa nguc" gồm có: Còng tay (Smith & Wesson),  mũ sắt, xẻng gấp đào công sự, bi đông, đều là đồ của lính Mỹ, Ngụy được trang bị để chống Việt Cộng. Từ đó tôi mong muốn có một ngày ra Côn Đảo để nhìn thấy nhà tù, địa ngục của trần gian, nơi bố tôi đã bị tù đầy gần năm năm trời cùng các vị tiền bối cách mạng ngày xưa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét