Trang

Thứ Bảy, 11 tháng 10, 2014

KỈ NIỆM NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM 30/4/1975


TIẾNG BOM ĐẠN VỪA CHẤM DỨT,
NHỮNG BẢN NHẠC VANG LÊN
LÀM CHẤN ĐỘNG TP HỒ CHÍ MINH!
Trong khi nhân dân cả nước đang trào dâng niềm vui sướng hân hoan mừng Sài Gòn đã giải phóng, non sông đất nước ViệtNam đã thống nhất thì chúng tôi được lệnh của bộ văn hóa gấp rút chuẩn bị lên đường vào TP Hồ Chí Minh.
Hội đồng nghệ thuật của Nhà Hát họp bàn chọn lọc ra những tiết mục ưu tú nhất. Các diễn viên ngày đêm ráo riết ôn tập lại, các bộ phận khác cũng hối hả chuẩn bị mọi thứ thật chu đáo trước khi lên đường, không khí trong Nhà Hát nhộn nhịp hẳn lên.
Chúng tôi được phát mũ tai bèo, ca - bát sắt, bi đông, võng, ba lô, quần áo, một hộp lương khô, mọi thứ trang bị đầy đủ như một chiến sĩ giải phóng quân thực thụ chỉ còn thiếu có súng đạn thôi, nhưng suốt cả đợt công tác này chẳng ai dùng gì đến.

Cả đoàn đi tầu hỏa xuống Hải Phòng rồi lên tầu thủy Sông Hương (tầu chở hàng). Nhà Hát GHHX - Nhạc Vũ kịch VN và đoàn Văn Công Giải Phóng cùng đi trên một con tầu.  Chúng tôi đều phải nằm la liệt trên mặt sàn. Mỗi người phải tự mang theo lương thực đủ ăn trong năm ngày như cơm nắm, bánh chưng, bánh mỳ, lương khô, đường sữa.
Tầu ra khơi rất thuận lợi, gặp sóng yên biển lặng. Gió thổi lồng lộng làm căng cánh buồm, tôi cũng được hít thở không khí trong lành căng lồng ngực.Tôi tha hồ ngắm biển rộng mênh mông bát ngát luôn biến đổi sắc màu theo ánh nắng mặt trời lung linh nhảy nhót, ngắm đàn hải âu chao nghiêng bay lượn, lúc là là mặt nước, lúc bay vút lên trời xanh cao vời vợi.
Mấy ngày trên tầu rảnh rỗi, từng tốp túm tụm chuyện trò tâm sự hoặc dựng chuyện trêu chọc nhau. Nhiều khi ngồi quây xúm xít lại nghe những tay khôi hài tầm cỡ của Nhà Hát kể đủ mọi loại chuyện tiếu lâm ở trên đời để rồi cười ré lên từng hồi, cười lăn cười lóc ra với nhau, sảng khoái vô cùng!
Đồ ăn cạn dần, tất cả phải nhai sang lương khô chiêu với sữa hoặc nước lọc. Hai cô ca sĩ mò xuống bếp của thủy thủ nhìn thấy rá cơm thừa đầy cháy (đây là cơm để dành nuôi lợn làm thực phẩm dự trữ cho thuỷ thủ)  liền tán tỉnh anh nuôi xin về chia cho đám phụ nữ.
Quả thật chưa bao giờ tôi ăn cơm nguội rắc vài hạt muối mà cảm thấy ngon lành, ngọt bùi đến thế!

Khoảng 4giờ chiều ngày 19/5/1975 tầu cập bến cảng Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh phải mặc áo dài, trang điểm thật xinh đẹp, đợi đến sẩm tối khi thành phố lên đèn mới có ô tô đón vào ngự tại Lê Lai Đại Tửu Lầu (bây giờ xây lại thành khách sạn New World), ngay trung tâm thành phố, gần chợ Bến Thành. Nhân viên KS xếp hai hàng, những người dân quanh đấy cũng lao đến nồng nhiệt chào đón chúng tôi.
Phòng ngủ thật là đẹp! Mỗi phòng trang trí mỗi kiểu, mỗi tầng một mầu khác nhau. Vài phòng còn có thêm phòng dùng để tiêu khiển, phải lội nước mới vào được giường tròn to đùng,bấm điện là giường quay tít, trên trần nhà có cả một tấm gương lớn “ăn chơi kiểu Mỹ!".                                                                  
Tối hôm đó đứng trước cửa KS ngắm đường phố tôi thấy nhiều phụ nữ mặc váy đầm, thanh niên mặc quần với bò áo mầu sặc sỡ, cảm giác cứ như đang ở nước ngoài, khác hẳn cảnh ăn mặc giản dị với gam màu sẫm để đề phòng tầm mắt của bọn phi công Mỳ ở miền Bắc, mọi thứ đều lạ lẫm quá!    
Trong đêm khuya tĩnh lặng, nhìn qua ô cửa sổ tôi rất ngạc nhiên thấy nhiều dân nghèo nằm ngủ ngổn ngang tràn lan khắp vỉa hè, trên những chiếc giường gấp thuê tạm bợ qua đêm. Một nhóm người gầy guộc đen đủi, có cả già lẫn trẻ đang ngồi xiêu vẹo hý hoáy tiêm chích dưới cột điện làm tôi rùng rợn cả người!
Sáng hôm sau chúng tôi ra Nhà Hát Lớn SG chuẩn bị biểu diễn. Vì số người đi công tác lần này hạn chế, tôi phải kiêm thêm nhiệm vụ quảng cáo.  Sáng nào tôi cũng ngồi trên ô tô đi khắp phố phường giới thiệu nội dung những tiết mục tối hôm đó biểu diễn. Ban giám đốc đều chấp nhận ý kiến của tôi là chỉ đọc lời giới thiệu khi ô tô dừng lại để ngươi ta nghe được trọn vẹn nội dung, nếu vừa đi vừa đọc mỗi người nghe lõm bõm một đoạn ngắn sẽ chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao hết cả. Sau này tôi lại nhận thêm việc phân phối vé cho từng nhóm sinh viên tình nguyện của Nhạc Viện để các em tỏa đi khắp hang cùng ngõ hẹp bán vé hộ cho Nhà Hát.
Chúng tôi ở đấy độ hai, ba hôm thì xảy ra một sự cố bất ngờ. Đó là gần đến giờ lên ô tô đi biểu diễn, mới chỉ có hai - ba ngươi bước ra khỏi phòng, đột nhiên nghe một tiếng nổ to, khói mù mịt bốc lên xộc vào mấy căn phòng gần mặt đường làm cay sè mắt mũi, cả khách sạn ngơ ngác, nhốn nháo, lo lắng...
Chỉ là lựu đạn cay thôi, chẳng hề ảnh hưởng gì, chẳng làm chúng tôi nao núng chút nào!

Dân chúng kéo tới rạp xem vì tò mò muốn biết Việt Cộng biểu diễn ra sao. Tới khi được xem dàn nhạc với hàng trăm nghệ sĩ chơi những bản giao hưởng cổ điển nổi tiếng như bản GH Định Mệnh của Beethoven, Blue Danube của Johann Strauss, tổ khúc Bốn Mùa của Tschaikowski, Phiên Chợ Ba Tư của Albert William Ketèlbey, độc tấu piano sonata Ánh Trăng của Beethoven v.v…mới sửng sốt thán phục.
Họ không ngờ Việt cộng có một dàn nhạc rất bề thế chơi quá hay, nghe chẳng kém gì băng đĩa của nước ngoài.  
Họ càng thán phục hơn nữa khi được xem những trích đọan vũ kịch ba lê Hồ Thiên Nga, trích đoạn vũ kịch Spartacus, Thiên Nga chết, các điệu múa La Tinh, Tây Ban Nha… Xen vào các tác phẩm âm nhạc nổi tiếng của thế giới là những tác phẩm của nhạc sĩ Việt Nam như Bản Tình Ca của Hoàng Việt, trích đoạn nhạc kịch “Cô Sao” của Đỗ Nhuận, vũ khúc Tây Nguyên… Hợp xướng hát những bài ca ngợi Bác Hồ, Trường ca sông Lô và acapenla Trống Cơm…Các nghệ sĩ đơn ca hát nhiều ca khúc hay có tiếng tăm v.v…
Tiết mục của chúng tôi phong phú, đa dạng chia ra thành nhiều chương trình khác nhau. Trong Sài Gòn không có dàn nhạc giao hưởng cũng không có múa ba lê, họ chỉ được xem trên phim ảnh hoặc ở nước ngoài mà thôi.
Sau đêm diễn đầu tiên báo chí ca ngợi hết lời, dư luận xôn xao, khán giả hôm nào cũng kín rạp. Thanh niên Sài Gòn vây quanh các nghệ sĩ xin chữ kí, xin chụp ảnh. Một số khán giả còn đến mời những nghệ sĩ yêu thích của họ đi  chiêu đãi, tặng quà, gửi thư tình.                                         
Nhà Hát luôn thay đổi tiết mục và di chuyển địa điểm biểu diễn để phục vụ được đông đảo quần chúng mọi tầng lớp.

Có một nhà báo của chính quyền cũ phỏng vấn tôi:
-Xin chị hai cho hay cảm nghĩ khi zô Sài Goòng.
-Sài Gòn rất đẹp, ban đêm càng lộng lẫy hơn dưới ánh đèn muôn mầu nhấp nháy, hàng hóa bạt ngàn khắp nơi, nhưng ăn mày cũng nhan nhản ngoài đường. Tôi rất tiếc là mình không có nhiều tiền để cho tất cả ăn mày ở đây! (hẳn các bạn còn nhớ thời đó ở Hà Nội hiếm khi nhìn thấy ăn mày).
Thế rồi vào một cái đêm đi ăn khuya cùng mấy người bạn ở cạnh chợ Bến Thành, gần chỗ tôi ngồi có đám người quần bò áo phông rất bảnh bao đang nhậu nhoẹt cười nói oang oang, nhìn kĩ tôi nhận mặt được hai tên ăn mày mà tôi đã từng cho tiền. Mới buổi trưa gặp họ còn ăn mặc bẩn thỉu nhem nhuốc rách rưới lê lết ngoài đường như kẻ tật nguyền tàn phế gợi bao niềm xót thương của những tấm lòng giầu tình nhân ái. Lúc ấy tôi mới vỡ nhẽ: “Hóa ra mình bị lừa!”.
Chúng tôi đã được thông báo phải cảnh giác kẻo bị rạch túi, ấy thế mà ôm khư khư cái túi vẫn bị rạch túi lúc nào không hay, trong đó có tôi bị một lần ở chợ Bến Thành. Ngồi kể lại với nhau không khỏi tấm tắc khen: "Kẻ cắp Sài Gòn rạch túi tài tình thật!" 

Thời gian đầu các nhân viên của KS còn dè dặt, ít lâu sau đã cảm nhận được thái độ thân thiện vui vẻ chan hòa của chúng tôi, họ tâm sự: “Tụi em cứ tưởng Việt Cộng ốm (gầy) lắm, nghèo đói lắm chứ đâu như mấy anh mấy chị đẹp quá trời!”. Còn rất nhiều chuyện họ nghe bọn Mỹ Ngụy nói xấu chúng ta một cách trắng trợn, ngớ ngẩn buồn cười lắm, kể lại e dài quá. Chuyến đi này chúng tôi đã góp phần xóa nhòa bớt những ấn tượng tồi tệ về Việt Cộng của người dân Sài Gòn.
Thỉnh thoảng được nghỉ một tối, tôi tranh thủ đi xem kịch do nghệ sĩ Kim Cương diễn và xem cải lương của nghệ sĩ Út Trà Ôn.
Vào rạp của họ mà cứ như vào chợ. Họ bán hết vé ngồi lại bán thêm cả vé đứng. Hàng rong chạy lung tung bán đồ ăn uống trong rạp, vứt rác bừa bãi. Trên sân khấu một dàn micro treo lủng lẳng, diễn viên đi đến đâu người trong cánh gà kéo micro tới đó trông rối cả mắt.
Về mặt nghệ thuật sân khấu thì họ kém hơn mình nhiều vì họ chỉ có các đoàn tư nhân gọn nhẹ, lo kiếm tiền là chính chứ không đầu tư cho nghệ thuật. Chính vì thế mà khán giả, kể cả các nghệ sĩ trong đó cứ hỏi chúng tôi: “…có phải người của đoàn văn công ngoài Bắc không?” Chúng tôi gật đầu là thái độ của họ đon đả, tôn kính khác thường.

Biểu diễn tại TP HCM khoảng ba tháng, chúng tôi được lệnh trở về Hà Nội để chuẩn bị chương trình biểu diễn cho Chính Phủ chiêu đãi Ngọai Giao Đoàn nhân ngày quốc khánh 2/9.
Tầu thủy đưa chúng tôi về được nửa đường, bỗng gặp biển động làm một số thành viên bị say sóng nằm rũ rượi. May quá, anh bạn ca sỹ của đoàn Giải Phóng đã tặng cho một gói thuốc chống say sóng lúc chia tay, tôi đem phân phát hết cho các bạn.  Riêng tôi chẳng sao! Sóng càng mạnh, ăn càng khỏe, ngủ càng ngon! Tôi vẫn mải mê đứng mơ màng ngắm những cuộn sóng bạc ồ ạt lao vào thành tầu hắt bọt trắng xóa bắn tung tóe ướt sũng cả người.
Về tới nhà, chúng tôi đều sung sướng, tự hào khoe với gia đình, với người thân, với bè bạn về chuyến đi công tác đặc biệt đầy thú vị lần này và những kỉ niệm đáng ghi nhớ mãi mãi trong quãng đời làm nghệ thuật.
HàNội, ngày 29/4/2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét