Trang

Thứ Ba, 21 tháng 10, 2014

ĐỐC TỜ TA

NHÀ 21 - PHỐ TÁM GIAN - HẢI PHÒNG

Năm 1936 bố tôi cùng bác Chuyên được Đảng cho mở phòng chữa đau mắt hột lấy tên là CHÂN-CHUYÊN. Đây là nơi liên lạc của Đảng và họp kín, đồng thời kiếm tiền gây quỹ cho Đảng. 
Bệnh đau mắt hột ai cũng có thể mắc nên ai cũng có thể  vào đây chữa để tránh con mắt  nghi ngờ của mật thám!
Ông nội tôi là Vũ Thiện Đễ quê ở Ngọc Cục - Bình Giang - Hải Dương vào Huế làm quan lục lộ. Bà nội tôi là Hà thị Xoan, hoa khôi của tỉnh Thanh Hoá. Bố tôi đã được ông nội tôi truyền cho phương pháp chữa bệnh bằng đông y. Đó là các đơn thuốc gia truyền từ đời cụ Tổ. Bố tôi lại học thêm cả tây y, tôi chẳng hiểu bố tôi học ở đâu, học như thế nào nữa?! Đến bây giờ tôi thấy ân hận là sao không hỏi, nhưng ông có nhiều sách chữ Hán và cả chữ Pháp về ngành y .
Ông đã một thời là "đốc tờ" nổi tiếng ở Hải Phòng vì có một cậu bé con nhà giầu bị bệnh viêm màng não rất nặng, nhà thương trả về. Họ đã mời  bố tôi chữa, thấy còn nước còn tát mà bố mẹ cậu bé lại van xin : cứ cố chữa nếu có chết cũng không oán thoán điều gì. Bố tôi cho tăng liều lượng kháng sinh của bệnh viện và kết hợp thêm một loại kháng sinh khác nữa, cuối cùng cậu bé khỏi bệnh. Nhà giầu đó trả công bố tôi rất hậu hĩnh và từ dấy nổi tiếng "đốc tờ Ta" giỏi hơn "đốc tờ Tây".
Khi tôi đã biết một chút, cả gia đình tôi ai ốm đau đều thấy ông chữa. Có bệnh thì uống thuốc đông y, có bệnh thì tiêm hoặc uống thuốc Tây. Ngày ở Nam Định, Thái Bình tôi vẫn thấy con nhà giầu có xe tay kéo đến cho ông khám bệnh, tiêm thuốc. Có người bị tai nạn cũng đến cho bố tôi băng bó, rửa vết thương hàng ngày. Ông chỉ lấy tiền của nhà giầu còn nhà nghèo toàn chưa hộ mặc dù nửa đêm ai gọi cũng đi ngay, nhưng những người nghèo cũng không quên ơn, đến tết họ mang biếu gạo nếp, dân chài đánh được cá to cũng mang đến tận nhà biếu.
Bố tôi tự pha chế thuốc đau mắt, thuốc cao tan mụn nhọt. Có lần mắt tôi đau kéo màng trắng ông bắt nhỏ thuốc rồi đắp lá băng kín suốt đêm, sáng hôm sau đỡ hẳn, chỉ mấy hôm là khỏi. Bệnh sốt kéo dài rồi hôn mê, ông đã bắt giun đất lộn ra nướng thơm rồi nấu với đỗ xanh và rau ngót, chắt lấy nước cho uống, bệnh nhân tỉnh lại ngay. Hình như sau này có dịch sốt xuất huyết đã áp dụng bài thuốc này chưa khỏi cho một số bệnh nhân hôn mê tưởng chết vì đợt dịch đầu tiên chưa có phác đồ đièu trị bệnh sốt xuất huyết ở VN. Từ thời xưa bố tôi đã chữa bệnh theo phương pháp kết hợp đông tây y  để chữa bệnh cho mọi người và chữa cả bệnh lao cho mình khi cả thế giới chưa chũa được, bệnh nhân lao chỉ chờ chết!
Làm ở bộ y tế ông luôn đấu tranh để Đông Y cũng được coi trọng và đề nghị phải kết hợp cả Đông lẫn Tây y chữa trị cho bệnh nhân. Thời đó bố tôi bị các BS Tây Y phản đối trong hội nghị của bộ Y Tế, ông đã xin bảo lưu ý kiến. Tới nay ý tưởng của bố tôi đã trở thành hiện thực.
Thời bố tôi còn làm hiệu trưởng ở trường Bổ túc cán bộ y tế TW đã cho trồng một vườn các cây thuốc nam để giới thiệu cho học sinh biết công dụng của từng cây thuốc, trở về các địa phương có thể phổ biến cho dân chúng trồng và sử dụng. Bố tôi mất đi, vườn thuốc chẳng ai thèm quan tâm đến nữa, nó đã bị lấn chiếm để xây nhà hết rồi. 



THẦY GIÁO THANH 

Bố tôi có thời kì được gọi là thầy giáo Thanh, ông dạy cho các học trò nghèo trong một thời gian để che mắt hoạt động bí mật cho ĐCS.
Sau này ông thường dạy về CNCS cho các đảng viên. Thời kì bí mật có lần bố tôi phải ngồi trong màn để khỏi bị lộ mặt, mặc quần đùi áo may ô giảng bài để đề phòng bọn cảnh sát ập đến, cứ thế chạy ra đường coi như tập thể dục thể thao cho đỡ bị nghi ngờ.
Trong thời gian kháng chiến ông làm hiệu trưởng (hồi đó gọi là giám đốc) trường Tổng Phản Công rồi trường Trần Phú đào tạo các huyện uỷ viên cho Đảng CS.
Khi hoà bình lập lại ông làm hiệu phó trường Cán Bộ y tế  TW rồi hiệu trưởng trường Bổ túc cán bộ y tế TW đào tạo nhiều trưởng phó ty cho bộ Y TẾ, các trưởng phòng y vụ, bổ túc cho các bác sĩ đi nghiên cứu ở nước ngoài...Các sở y tế và bệnh viện nào cũng có học sinh của bố tôi.
Mặc dù mắc bệnh ho lao ông vẫn lên lớp giảng bài suốt cả cuộc đời. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét