Trang

Thứ Hai, 13 tháng 10, 2014

KỈ NIỆM NGÀY TOÀN QUỐC KHÁNG CHIẾN 19/12

Ngày toàn quốc kháng chiến mười chín tháng mười hai (1946)
Bố và anh chồng tôi ra đi từ buổi sớm ban mai
Quyết chiến đấu giữ gìn Thủ Đô Hà Nội
Chẳng giã từ mà không hề trở lại
Mẹ chồng tôi trông ngóng ngẩn ngơ
Giấy báo tử cả nhà đau tê tái
Đã hi sinh không ai biết ngày giờ!
Thân xác chôn nơi nào? Hồn vất vưởng chốn nao?
Nấm mồ chung của bao chiến sĩ?!
Tổ quốc ghi công mẹ nhận hai bằng
Thẻ liệt sĩ giúp mẹ trong cuộc sống
Đỡ xếp hàng thời bao cấp khó khăn.
Mình mẹ nuôi các con ăn học
Chẳng quản gian lao, chẳng sợ nhọc nhằn.
Hôm nay giỗ bố, giỗ anh
Quên sao mẹ đã gánh quằn hai vai!
Chín con vừa gái vừa trai
Nhờ công ơn mẹ thành tài lớn lên
Nuôi cán bộ “nằm vùng” kháng chiến
Vận động bà con cống hiến tiền tài...
Vào hôm mồng sáu rạng mồng bẩy tết
Thanh thản mẹ đi cuối đêm dài.

       Mẹ chồng tôi, Quyền thị Vân sinh năm 1899, quê tại Đội Xá – Hà Nam đã bán ngôi nhà Phố Sa rông (Trần Quốc Toản), thuê ngôi nhà bỏ không của thông gia tại 122 phố Lò Đúc để mua cửa hàng bán thịt bò ở chợ Đồng Xuân mới nuôi được hết cả gia đình, nuôi cả chồng đi học y khoa ở Paris. Bố chồng tôi, Mai Ninh Dụ sinh năm 1887, quê tại Xuân Kiên – Xuân Thủy – Nam Định, vào Đảng CS Pháp rồi bị trục xuất, quản thúc tại Hà Nội. Khi ông hi sinh ngày 20/12/1946 đã có hai con gái và một con trai cả lập gia đình. Trong kháng chiến chống Pháp bà phải một mình nuôi ba con nhỏ, hai vợ chồng con gái (con rể học ở Paris chưa xong) và các cháu, tiếp tế cho anh cả hoạt động CM. Chỉ có hai chị lớn lấy chồng giầu đã phụ giúp bà, anh ba đi bộ đội hi sinh trong chiến dịch Điện Biên phủ là bà không phải nuôi thôi!

        Chồng tôi còn nhỏ đang học trường Albert Saraut, anh cả Mai văn Mạc lúc bấy giờ là phó giám đốc công an liên khu III cho người đưa đến chỗ tập trung sang Quế Lâm, bà còn lưỡng lự vì nhà trường đã quyết định cho anh Quốc Anh đi Pháp học, còn anh ấy lại không thích đi Trung Quốc. Anh cả liền gửi người mang thư về cảnh cáo: “Ngày nào mẹ cho thằng Quốc Anh sang Pháp thì  nhớ ngày ấy mà làm giỗ nó!”, thế là bà hoảng quá phải để ở lại nhà.    

 Đến khi giải phóng Hà Nội bà vào công tư hợp doanh ít lâu, anh cả bắt giao hết cho nhà nước, bà về nhà làm công tác phụ nữ của khu phố và làm hàng ren xuất khẩu, lĩnh tiền theo sản phẩm nuôi con và ba cháu ngoại ăn học, kinh tế gia đình sa sút từ đấy. Anh cả phải phụ giúp rồi sau này là vợ chồng tôi cùng chia sẻ với mẹ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét