Trang

Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

KỈ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP NHÀ HÁT GIAO HƯỞNG – HỢP XƯỚNG VÀ NHẠC VŨ KỊCH VIỆT NAM


Sáng ngày 31/10/2009 tôi tới Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội dự lễ kỉ niệm ngày thành lập Dàn nhạc giao hưởng ngày 6/8/1959. Thành lập Dàn hợp xướng ngày 5/6/1961. Thành lập Nhà hát Giao Hưởng Hợp Xướng Ca Vũ Kịch Việt Nam ngày 7/5/1964, rồi năm 1978 đổi tên thành  Nhà hát GHHX-Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Đến năm 1985 Nhà hát một lần nữa đổi tên là Nhà hát Nhạc Vũ kịch VN với chức năng biểu diễn loại hình nghệ thuật nhạc kịch và vũ kịch, nay tròn 50 tuổi và đón nhận huân chương Lao Động hạng nhất.

Thanh Mai với lẵng hoa

Thanh Mai - Thu Hà - Thúy Hà
Văn Hà - Trung Kiên - Minh Tâm

Thanh Mai - gián đốc Quý Dương - họa sĩ Trần Mậu 

Thanh Mai và nhạc sĩ Phú Quang đứng giữa hai diễn viên

    Đồng thời cũng năm 1985 bộ Văn hoá quyết định thành lập thêm Nhà hát Giao Hưởng-Hợp Xướng VN, chỉ huy Đỗ Dũng của Nhà hát được bộ cử sang làm giám đốc.

    Tôi đã gắn bó với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN hơn 30 năm, những năm hoàng kim nhất của Nhà hát, số người đông nhất lên tới 300, với vở opera đầu tiên của VN Cô Sao-tác giả Đỗ Nhuận và những vở opera kinh điển cùng các vũ kịch ballet nổi tiếng thế giới, đã đưa đi biểu diễn khắp cả nước.

    Đến nay nhiều cụ của Nhà hát đã sang thế giới bên kia, một số chuyển đi nơi khác, một số ra nước ngoài. Nhiều gương mặt lạ trẻ trung thay thế không đông như trước kia, những ngôi sao ca-múa-nhạc mới lung linh xuất hiện.

    Tôi đi tìm "Tổ quý tộc" của tôi thấy thiếu mất một nửa các vị chỉ huy và đạo diễn, họa sĩ. "Tổ Sân Khấu" của tôi thiếu mất một phần ba. Bộ tứ thân thiết của tôi có họa sĩ  NSƯT Trần Mậu, chỉ huy NSTƯT An Ngọc, thiếu chú em Lê An NSƯT múa đã chuyển sang dạy ở Trường Múa VN.

    Lòng xốn xang vui mừng được gặp các bạn cũ khắp nơi trở về, những người đã một thời chung sức góp vào thành tựu lớn mạnh trong nên nghệ thuật hàn lâm của nước nhà. Vui mừng thấy Nhà hát vẫn tồn tại và đang tiến lên từng bước, tuy chưa vươn tới tầm cao nhưng đã khởi sắc với dáng vóc, hương vị mới. Hi vọng một ngày không xa sẽ được nâng lên đúng với vị trí của nó, không còn bị khập khiễng như bây giờ (vũ kịch thì phát triển, nhạc kịch còn bị hạn chế).

    Từ ngày về hưu đến nay chúng tôi, những người ở Hà Nội vẫn được Nhà hát mời đến gặp mặt liên hoan cuối năm để ban giám đốc báo cáo thành tích đã đạt được trong năm qua. Chúng tôi tay bắt mặt mừng thăm hỏi về sức khoẻ của nhau, ôn lại kỉ niệm cũ và lại có người lên đọc bài thơ hài của tôi tặng các vị TỔ SƯ GIAO HƯỞNG nói về tục danh của các cựu thành viên trong dàn nhạc để mà cười thoải mái với nhau trong giờ phút gặp gỡ đánh dấu một năm nữa lại trôi qua..
KÍNH TẶNG CÁC VỊ TỔ SƯ GIAO HƯỞNG
(Chúc thư gửi các chút-chít-chụt-chịt năm 2510)
Ngày xửa ngày xưa lâu lắm rồi
Nước ta bom đạn ngập khắp nơi
Vậy mà Nhà Hát vẫn biểu diễn
Tiếng kèn tiếng trổng rộn vang trời

Hãy nghe ta kể các cháu ơi!
Các vị Tổ Sư từ thuở ấy
Có những tục danh thật tuyệt vời
Khi nghe các cháu chớ có cười
Các cụ phạt cho là chết đấy
Chỉ biết để mà khấn vái thôi:
“BẰNG MƯỜNG THỔ, QUÝ CAN TRƯỜNG
DŨNG NHÁY ba cụ là phường chỉ huy

Dàn Nhạc: cụ QUẾ NÊN CHI
Và cụ HIỆP OỌC LÀ HY khọm già

Tại đây có cả đức cha
Mọi người thường gọi đó là CHA TRIÊM
Ngoài ra dàn nhạc có thêm
Cụ KHÔI LINH MỤC ngày đêm hành nghề…

PHÚC CHUỘT, NGHỊ GẬT, NGUYÊN DÊ
HỒNG GÂN, ĐANG CỤC, HOÀNG TỀ , KHÁNH SAY
NGỌC MỘC TỒN, THƯ CÁ TRẦY,
BÌNH LẮP, BÌNH TRỐ hỏi ngay TOÀN BÒ:
HÙNG CHÓ, TRÚC DÍM , NINH IGOR,
HÒA SIA, TIẾN NGHỆT, TÔN LÒ ở đâu?

HIỂN NGỤA, HẢI TẨU, DI SẦU,
HÙNG TRỤI, HIẾU KHỈ rủ nhau ĐÔN LÒ

HẢI CỤ DUYỆT, KIÊN THỦ ĐÔ,
VĂN CÓC, LỘC SỮA, UY DÔ luận bàn.
LỄ LỆCH, TÂN YẾU thở than…!

HƯỚNG TIU, MẪN TẠ khuyên can SẮC GẦU,
AN CỐNG, QUỲ RÓM, CHÂU SẦU,
VI SỚT, LƯƠNG LỢN, SIU TẦU, CƯỜNG SOĂN

KHƯƠNG MÙ, AN NHỌ hung hăng
Nhờ ANH THƯ CẬU bói bằng bài tây
LẬP LÙN, TÂN TOÉT ngồi ngây
CƯỜNG BỤI, GIANG TÉ bảo thầy nói nhăng…

Khi tập các cụ cực chăm
Khi vui bốc phét là văng…hết lời !”

Cháu nào khốn khó trong đời
Ra đứng giữa trời tên tục gào to
Nhớ bày “quốc lủi” chục vò
Thịt chó, lòng lợn, vó bò, tiết canh
Mắm tôm, riềng, tỏi, ớt, hành
Với tấm lòng thành thắp mấy bó hương
Các cụ vất vưởng đầu đường
Hay trong xó chợ vấn vương trở về
Say sưa rượu thịt phê phê
Các cháu cầu khấn hả hê sẽ chiều:

“Cháu lạy các cụ kính yêu
Xin ban cho cháu thật nhiều lộc rơi
Khán giả ở khắp mọi nơi
Mời cháu biểu diễn tơi bời ba ca
Được vậy cháu đến từng nhà
Lễ tạ các cụ thêm gà, thêm xôi

Tục danh lưu lại muôn đời
Tên cụ nào thiếu xin mời hiện ra !
Cháu lễ sám hối tận nhà
Có món ngẩu pín để mà nhắm thêm !
Các cụ nếu có linh thiêng
Muốn gì báo mộng cháu liền lễ dâng”

TÔ LỊCH NỮ SĨ (Thanh Mai)
Sáng tác theo đơn đặt hàng của Hội Cựu Nghệ Sĩ Giao Hưởng
(Biệt danh, tục danh các vị Tổ Sư Giao Hưởng Việt Nam)
Xuất bản ngày 4/5/1997
Chú thích:
- Có những tục danh nói lái rất tục tằn nhưng chúng tôi gọi quen rồi nên nó trở thành cái tên vô cùng thân thương. 
- Kiên Thủ Đô (đầu to) = Trung Kiên nguyên thứ trưởng bộ Văn Hóa nay là bộ Văn Hóa, Thông Tin và Du Lịch VN
- Bằng Mường Thổ = Trọng Bằng nguyên chủ tịch Hội Nhạc Sĩ VN
- Qúy Can Trường = Trần Quý nguyên chỉ huy Nhà hát Ca Múa VN
- Toàn Bò = Trần Ngọc Toàn nguyên đoàn trưởng Dàn Nhạc Giao Hưởng Nhà hát Nhạc Vũ Kịch VN
- Dũng nháy = Đỗ Dũng nguyên giám đốc Nhà hát Giao Hưởng VN
- Anh Thư cậu = Anh Thư nhạc công Cello- phu nhân của Đỗ Dũng
Đại đa số các vị Tổ Sư Giao Hưởng
có mặt trong dàn nhạc này, đến nay một số vị
đã qua đời và một số vị đang lưu lạc ở nước ngoài.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét