Trang

Thứ Bảy, 18 tháng 10, 2014

XA XA NƠI CÔN ĐẢO...

THĂM CÔN ĐẢO
Nhà tù Côn Đảo nằm trên đảo Côn Lôn, huyện đảo Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đặc điểm: Được xây dựng vào tháng 3/1862, Côn Đảo là nhà tù đầu tiên mà thực dân Pháp thiết lập ở Việt Nam.

Dưới quyền của thống đốc Nam Kỳ Dupré, hệ thống các cơ sở giam giữ tù nhân ở Côn Đảo được xây dựng dần dần từ năm 1862 đến 1945 gồm 4 trại giam và 15 nhà tù. Đến năm 1955, thiếu tá Aloise Blank bàn giao nhà tù Côn Đảo lại cho ngụy quyền Sài Gòn, chấm dứt gần một thế kỷ tội ác của thực dân Pháp. Trong 20 năm (1955-1975), Mỹ Ngụy đã tăng quy mô nhà tù lên 8 trại giam, mỗi trại rộng khoảng 10.000m², có tường đá bao quanh, 6 dãy chuồng cọp và 45 xà lim. 
Ngoài khu vực các trại, còn có hàng chục sở tù như sở đập đá, sở lò vôi, sở rẫy là nơi người tù phải lao động khổ sai.

Nhà tù Côn Đảo là địa ngục trần gian, nơi giam giữ và đày đọa những chiến sĩ cách mạng Việt Nam, nhưng những người tù cộng sản đã biến nơi đây thành trường học nung đúc tinh thần vô sản, đưa cách mạng Việt Nam đến ngày thắng lợi cuối cùng giải phóng quê hương.

Ngày nay, hệ thống nhà tù Côn Đảo đã được trùng tu để trở thành một di tích lịch sử cách mạng, thu hút đông đảo khách tham quan. Mô hình các tù nhân chính trị trong trại giam cũng đã được dựng lại để du khách có thể hiểu rõ hơn về lịch sử của nơi đã từng một thời đựoc coi là “địa ngục trần gian”.

TRẠI GIAM PHÚ HẢI


khu biệt lập (giam mỗi phòng 1 người)
 Phòng giam nhiều người

Bố tôi đang làm phó bí thư tỉnh uỷ Nam Định phụ trách Công vận và Binh vận thì năm 1931 bị bọn đế quốc Pháp bắt giam ở Hoả Lò Hà Nội. Hội đề hình kết án 20 năm tù, đầy đi Sơn La rồi đưa ra Côn Đảo, đến 1936 được Mặt Trận Bình Dân lên nắm chính quyền nước Pháp tha về. Cùng bị đầy ở Côn Đảo thời đó có các vị tiền bối CM như Tôn Đức Thắng, Phạm văn Đồng, Hà Huy Giáp, Lê Duẩn,  Lê đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Duy Trinh v.v...

        Lần này tôi tới Côn Đảo, đến tận nhà tù Phú Hải nơi đã giam giữ đầy đoạ bố tôi và các chiến sĩ cách mạng qua các giai đoạn chống đế quốc thực dân cứu nước giành độc lập cho Tổ Quốc Việt Nam.
Bố tôi đã kể nhiều chuyện trong nhà tù mà bây giờ tôi không nhớ rõ từng câu chuyện xảy ra ở nhà tù nào vì sau khi ở Côn Đảo về, năm 1937 bố tôi là cán bộ trung ương phụ trách phong trào mặt trận bình dân ở Hải Phòng, đến năm 1940 lại bị bắt giam vào trại giam Bắc Mê và Bá Vân đến năm 1944 quản thúc ở Nam Định. 3/1945 bắt được liên lạc với Đảng trốn về Thái Bình tiếp tục hoạt động.

Bố tôi đã từng bị tra tấn đánh đập dã man. Điển hình nhất là chúng đâm kim vào mười đầu ngón tay. Ông đã dập mạnh cả mười đầu ngón tay xuống, làm cho chúng vội vàng rút kim ra, băng bó lại vì đã có lệnh tra tấn nhưng phải bảo toàn tính mạng để khai thác, chúng cho rằng bố tôi nắm giữ nhiều đầu mối quan trọng (Tôi không nhớ bị tra tấn như thế ở Hoả lò, Sơn La hay Côn Đảo). Từ đó các đồng chí trong tù gọi ba tôi là Chân Búa. Đối với các vị lão thành CM cái tên Chân Búa được nhiều người nhớ hơn là Vũ Thiện Chân.

Một lần trong đêm khuya cai tù vào hỏi: " Ngoài kia có một người đàn bà sắp chết cần cấp cứu ngay, có ai là thầy thuốc ở đây không?" Bố tôi giơ tay. Bọn chúng đưa Ông đi đến nhà và đã cứu tỉnh lại được bệnh nhân. Người đàn bà đó chính là vợ của cai ngục, từ đấy bố tôi được phép chữa bệnh cho các bạn tù bị ốm. Khi nào cần liên lạc với nhau thì một đồng chí cứ lăn ra kêu đau bụng hoặc bị bệnh gì đó là bố tôi được gọi vào khám nên có thể liên lạc với các đồng chí của mình để phổ biến lại chỉ thị thống nhất hành động đấu tranh, tuyệt thực... Chắc chuyện này chỉ có thể ở trại giam Bắc Mê (Hà Giang) hoặc trại giam Bá Vân (Thái Nguyên) cũng như chuyện đỡ đẻ cho bác Tư Già bố tôi phải dùng răng cắt rốn cho con bác ấy (Tôi muốn kể lại các chuyện này cho các con cháu biết). Lúc này tôi càng thấy tiếc cuốn hồi ký của bố tôi viết khi nghỉ hưu định xuất bản, bị một tay phóng viên nào đó đến tìm hiểu về các nhà CM thời xưa đã hứa đem đi duyệt hộ rồi biến mất. Giá như Ông cho tôi đọc trước thì tôi cũng nhớ lại được phần nào mà viết ra đây. Nhưng Ông không tin vào khả năng của con gái mình có thể góp ý vào cuốn hồi ký đó, chỉ khi đánh mất rồi mới phàn nàn với tôi thôi.  Mẹ tôi cũng viết một quyển nhật ký trong thời gian chồng bị tù đầy ở Bắc Mê và Bá Vân, còn giữ lại đến khi Bà mất. Bố tôi cứ suốt ngày ngồi đọc mà đau buồn mãi, chị em tôi phải thuyết phục Ông đốt đi, nay cũng thấy ân hận quá!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét